Tìm kiếm

Chăn nuôi và Thú y

Chăn nuôi và Thú y

HƯỚNG DẪN CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG ĐÓI RÉT CHO ĐÀN VẬT NUÔI

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, trong thời gian tới Quảng Trị có thể xuất hiện các đợt không khí lạnh tăng cường kèm theo mưa lớn; Với tình hình thời tiết này có thể sẽ làm giảm sức đề kháng của đàn gia súc, gia cầm và tạo điều kiện cho một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bùng phát. Để ứng phó và giảm thiệt hại trong sản xuất chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn bà con chăn nuôi thực hiện một số biện pháp phòng, chống rét cho vật nuôi như sau:

a) Về chuồng trại chăn nuôi:

Cần gia cố chuồng trại cho vật nuôi trước khi vào mùa mưa rét để đảm bảo phòng chống rét. Chuồng nuôi đảm bảo che chắn và tránh được gió lùa trực tiếp vào chuồng. Nền chuồng đảm bảo luôn khô, ráo và phải có chất độn chuồng bằng các nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương như rơm, rạ, mùn cưa hoặc trấu khô. Thường xuyên giữ chuồng trại sạch sẽ, những ngày rét có kèm theo mưa cần bổ sung thêm chất độn chuồng, đối với lợn hạn chế rửa chuồng để gia súc tăng khả năng chống rét.

Có thể sử dụng bóng điện công suất lớn để sưởi ấm chuồng nuôi hoặc đốt sưởi cho gia súc trong chuồng bằng trấu, mùn cưa, than củi... (chú ý thường xuyên theo dõi khi đốt sưởi, để xa dụng cụ đốt với vật liệu dễ cháy trong chuồng nuôi như bạt che, chất độn chuồng, các thanh che chắn bằng vật liệu dễ cháy…).

http://video.laocaitv.vn/uploads/00KHOANH/XaHoi/BO%20TRAU_1.jpg

H1: Người dân làm chuồng trại kín gió để giữ ấm cho vật nuôi

b) Chế độ làm việc và chăn thả:

Thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, thông báo của cơ quan chính quyền địa phương để có kế hoạch cụ thể cho đàn gia súc. Đối với những hộ chăn thả gia súc trong rừng phải thực hiện việc di chuyển đàn vật nuôi về nhốt tại chuồng hoặc đến những nơi kín gió, có đủ điều kiện đảm bảo cho đàn gia súc tránh rét. Người chăn nuôi trâu, bò ở miền núi có thể di chuyển đàn vật nuôi từ vùng cao xuống vùng thấp để tránh rét cho vật nuôi. Không chăn thả, không cho trâu, bò làm việc khi xảy ra rét đậm, rét hại (khi nhiệt độ xuống ≤ 12OC); áp dụng chế độ chăn thả muộn, về sớm. Nhiệt độ quá lạnh sẽ làm giảm sức đề kháng của vật nuôi nhất là đối với gia súc già yếu, gia súc non. Do vậy, khi rét đậm, rét hại phải nhốt gia súc tại chuồng để tiện chăm sóc, quản lý và không tắm cho gia súc.

c) Chăm sóc và nuôi dưỡng:

Trong chăn nuôi, thức ăn có vai trò quan trọng cho sự sinh trưởng và phát triển của vật nuôi. Chủ động dự trữ, bảo quản thức ăn thô xanh (phụ phẩm nông nghiệp hoặc ủ chua thức ăn xanh), cũng như thức ăn tinh cho gia súc để đảm bảo đủ thức ăn cho gia súc trong mùa mưa rét. Việc cung cấp đủ thức ăn những ngày giá, rét cho vật nuôi giúp chúng sinh nhiều năng lượng để chống rét tốt hơn.

* Đối với trâu, bò:

Tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng phù hợp đối với trâu, bò già, yếu, gia súc non để tăng cường phòng chống rét và dịch bệnh.

Sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên có sẵn (cỏ xanh, cỏ ủ hoặc rơm khô, rơm ủ urê…) và cung cấp với định mức bằng 10% trọng lượng cơ thể ví dụ như trâu bò 300 kg thì cho ăn 30 kg cỏ xanh hoặc cỏ ủ…; đồng thời bổ sung thêm thức ăn tinh như bột ngô, bột sắn, cám gạo... (khoảng 0.5-1 kg/con/ngày).

Cung cấp đủ nước uống cho trâu bò hàng ngày khi nuôi nhốt trong chuồng những ngày rét đậm, rét hại; có thể bổ sung cho trâu bò uống nước ấm có hoà muối với lượng khoảng 5g/100 kg khối lượng cơ thể để tăng cường sức đề kháng.

Ngoài ra, có thể cung cấp thức ăn xanh ủ chua cho trâu, bò (thân cây ngô, cỏ, rơm ủ…) với lượng 7-10 kg/ngày nhằm nâng cao tỷ lệ tiêu hóa.

* Đối với lợn:

Khẩu phần ăn phải đảm bảo, đầy đủ chất dinh dưỡng (có thể cho ăn tự do, ăn các bữa trong ngày tùy vào loại thức ăn, phương thức nuôi). Bổ sung thêm vitamin, men tiêu hóa thường xuyên cho lợn. Cần sử dụng bóng úm, chuồng úm cho lợn con theo mẹ; cho lợn con tập ăn sớm để tăng khả năng tiêu hóa.

* Đối với gia cầm:

Trong những ngày rét đậm, rét hại, chủ động tăng lượng thức ăn, uống nước ấm và bổ sung một số loại vitamin, men tiêu hóa, chất điện giải nâng cao sức đề kháng cho gia cầm, đặc biệt là gà; Có mật độ nuôi hợp lý đối với gà đẻ: 6-8 con/m2; gà thịt: 8-10 con/m2 giúp cho gà điều chỉnh nhiệt độ cơ thể tốt hơn. Thực hiện tốt quy trình úm cho gà con; những ngày giá rét không thả gia cầm ra vườn, đồi; thực hiện che chắn để tránh gió lùa trong chuồng.

d) Phòng bệnh cho vật nuôi:

- Cần áp dụng quy trình phòng bệnh phù hợp vào quy mô chăn nuôi. Thực hiện tẩy giun sán cho gia súc và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo khuyến cáo của cơ quan thú y như sau:

+ Đối với trâu, bò: tiêm các loại vắc xin Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng, Viêm da nổi cục, Ung khí thán, ...

+ Đối với lợn: tiêm các loại vắc xin Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng, Dịch tả lợn, Phó thương hàn, Tai xanh, ...

+ Đối với gia cầm: tiêm các loại vắc xin Cúm gia cầm, Niu cát xơn, Tụ huyết trùng, …

+ Đối với dê, cừu: tiêm các loại vắc xin Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng, Đậu dê, ...

Ngoài ra người chăn nuôi tiêm bổ sung các bệnh như Lép tô, Suyễn, E.coli, Viêm phổi màng phổi, … Việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin sẽ giúp bảo hộ cho đàn gia súc, gia cầm và duy trì mức kháng thể bảo hộ thường xuyên để phòng bệnh nhằm giảm tối đa thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi do dịch bệnh gây ra.

Ngoài ra, cần thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại; hàng ngày cần theo dõi thường xuyên tình trạng sức khỏe của vật nuôi để có biện pháp xử lý hiệu quả khi vật nuôi có những biểu hiện bất thường do đói rét hoặc bệnh dịch. Khi phát hiện trên vật nuôi có các biểu hiện dịch bệnh cần báo ngay cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời.

e) Những lưu ý:

Những ngày rét đậm, rét hại có thể may áo cho trâu, bò bằng các loại chăn, áo cũ; bao tải gai hoặc các vật liệu khác tương tự cho trâu, bò. Diện tích may có thể che chắn tối đa cho phần lưng, vai, ngực và bụng cho trâu bò, đặc biệt là bê, nghé nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

Những ngày quá rét, trâu bò thường hay xảy ra bệnh cước chân, biểu hiện thấy da chân trâu bò bị sưng phù, nứt nẻ, có hiện tượng xung huyết sờ thấy nóng. Trường hợp bệnh nặng lớp biểu bì ở chân có chảy dịch màu vàng, tạo vết loét, gây nhiễm trùng, nếu không điều trị kịp thời tổ chức dưới da bị hoại tử làm cho con vật bị què, nặng hơn trâu bò có thể kế phát các bệnh truyền nhiễm khác.

Trường hợp trâu bò bị cước chân cần: Tăng cường giữ ấm cho trâu bò, giữ nền chuồng khô ráo, cho ăn uống đầy đủ thức ăn thô xanh, bổ sung thức ăn tinh muối khoáng, vitamin.

Khi mới xuất hiện cước chân có thể dùng gừng giã nhỏ hoà với rượu để xoa bóp hàng ngày; đồng thời cho trâu bò vận động tại chuồng hoặc đi xung quang chuồng, quang nhà vào buổi trưa khi thời tiết ấm hơn để tăng cường tuần hoàn máu tại chân, tránh hiện tượng sưng phù bệnh càng thêm nặng. Khi bệnh nặng cần báo cán bộ thú y để điều trị bằng kháng sinh.

Khi trâu bò bị đói rét do rét đậm, rét hại kéo dài trên 10 ngày liên tục thì sức khỏe và sức đề kháng bị giảm dễ mắc bệnh, vì vậy trong thời gian này cần cho trâu bò ăn cháo gạo hoặc cháo cám nóng, bổ sung khoáng chất và các loại vitamin để nâng cao sức đề kháng.

Xử lý chất thải: Hàng ngày thu gom phân vào hố ủ, dẫn chất thải lỏng trực tiếp từ chuồng đến hố đựng bằng rãnh thoát và xử lý chất thải bằng hóa chất hoặc chế phẩm sinh học.

THÔNG TIN Về kết quả kiểm tra điều kiện trang trại chăn nuôi quy mô vừa, quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị năm 2023

Thực hiện chức năng và nhiệm vụ được giao, ngày 28/8/2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã ban hành Kế hoạch số 317/KH-CNTY-CN về việc kiểm tra điều kiện chăn nuôi trang trại quy mô vừa và nhỏ năm 2023.

 

Từ ngày 07/9/2023 đến ngày 24/10/2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã thành lập Đoàn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế, Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố, thị xã và UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện kiểm tra điều kiện chăn nuôi đối với các trang trại chăn nuôi quy mô vừa, quy mô nhỏ trên địa bàn năm 2023 với 7 tiêu chí theo Mẫu số 04.ĐKCN, Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi. Kết quả kiểm tra như sau:

 

 

Thực hiện kiểm tra được 42 trang trại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ tại 22 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thành phố, thị xã. Kết quả, có 01 trang trại đảm bảo điều kiện chăn nuôi (chiếm 2,38%), 41 trang trại không đảm bảo điều kiện chăn nuôi (chiếm 97,62%),cụ thể:

 

 

TT

Huyện, TX

Số trang

trại

Trong đó:

Ghi chú

Đạt điều

kiện

 

Chưa đạt

điều kiện

1

Vĩnh Linh

10

-

10

 

 

 

 

 

 

 

2

Gio Linh

6

-

6

 

 

 

 

 

 

 

3

TP.Đông Hà

2

-

2

 

 

 

 

 

 

 

4

Triệu Phong

3

-

3

 

 

 

 

 

 

 

5

TX.Quảng Trị

2

1

1

 

 

 

 

 

 

 

6

Hải Lăng

5

-

5

 

 

 

 

 

 

 

7

Cam Lộ

12

-

12

 

 

 

 

 

 

 

8

Hướng Hoá

2

-

2

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng

42

1

41

 

Các trang trại chưa đạt điều kiện chăn nuôi trang trại quy mô vừa, quy mô nhỏ chủ yếu là do: Chưa đảm bảo về quy định khoảng cách an toàn trong chăn nuôi; chưa có các biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định (khu thu gom chất thải, biện pháp xử lý chất thải rắn nguy hại…); chưa có sổ sách theo dõi trong chăn nuôi; chưa thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi.

Đoàn kiểm tra làm việc tại trang trại ở xã Vĩnh Hoà- Vĩnh Linh

 

Trong quá trình kiểm tra, Đoàn đã hướng dẫn, phổ biến, tuyên truyền cho chủ các trang trại về những quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật An toàn thực phẩm và các văn bản của Chính phủ, Bô ngành Trung ương hướng dẫn thi hành Luật. Đồng thời, hướng dẫn chủ trang trại khắc phục các lỗi vi phạm để đảm bảo các điều kiện chăn nuôi trang trại theo quy định. Thực hiện kiểm tra lại 1 số trang trại chưa đủ điều kiện chăn nuôi năm 2022 để kiểm tra tình hình khắc phục những lỗi đã được nhắc nhở, phần lớn các cơ sở được kiểm tra bị vướng về khoảng cách chăn nuôi thì chủ cơ sở đã chủ động hạ quy mô chăn nuôi xuống quy mô nông hộ hoặc đang xây dựng lại chuồng trại ở vị khác đảm bảo về khoảng cách an toàn trong chăn nuôi.

 

Công tác Kiểm dịch, Kiểm soát giết mổ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong tháng 10/2023

1. Công tác kiểm dịch vận chuyển:

Đã thực hiện được 227 hồ sơ (225 hồ sơ động vật, 02 hồ sơ SPĐV). Kiểm dịch được 303 con trâu bò; 15.611 con lợn thịt; 28.900 con gia cầm; 5.930 con dê và 22.500 kg SPĐV.

2. Công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y:

Đã kiểm tra, kiểm soát giết mổ được 14.975 con lợn thịt; 1.438 con trâu bò; 345 con dê và 27.450 con gia cầm.

ÁP DỤNG MỘT SỐ BIỆN PHÁP AN TOÀN SINH HỌC ĐỐI VỚI GIA CẦM TRONG ĐIỀU KIỆN CHĂN NUÔI NÔNG HỘ

Chăn nuôi gia cầm là một nghề sản xuất truyền thống có từ lâu đời, luôn chiếm vị trí quan trọng trong sản xuất của ngành chăn nuôi. Sản lượng thịt gia cầm luôn đứng vị trí thứ hai sau thịt lợn, ngoài ra còn cung cấp cho thị trường một lượng lớn sản phẩm từ thịt và trứng. Tuy nhiên, chăn nuôi gia cầm trên địa bàn huyện Gio Linh đang phải đối mặt với một số thách thức lớn. Trên 80% số hộ nuôi gia cầm là chăn nuôi gia cầm theo phương thức phân tán, nhỏ lẻ trong nông hộ, năng suất và hiệu quả chăn nuôi chưa cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Chính vì vậy việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm tại nông hộ là rất cần thiết.  Đây là giải pháp chăn nuôi hiệu quả, an toàn, có tính bền vững cao. Để thực hiện chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học trong nông hộ, người dân cần áp dụng một số biện pháp sau:

1.     Về con giống

Con giống mua về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh, có đầy đủ giấy kiểm dịch. Trước khi nhập đàn, con giống phải được nuôi cách ly theo quy định hiện hành.

          Nếu tự sản xuất con giống, phải chọn con giống từ đàn gia cầm bố mẹ đã được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, không chọn gà trống gà mái nở ra trên cùng đàn để nuôi sinh sản. Chọn gia cầm có đặc điểm phù hợp với hướng sản xuất (thịt hoặc trứng)

          2. Về chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi

          Chuồng nuôi phải cách biệt với nhà ở, không nuôi chung gia cầm với các loại vật nuôi khác và không nuôi nhiều loại gia cầm chung với nhau (gà, ngan, vịt,...)           

Nuôi gia cầm trong nông hộ cần có chuồng. Chuồng trại phải thoáng mát, khô ráo sạch sẽ, tránh gió lùa, tránh tác động mạnh. Xung quanh vườn phải có hàng rào bao quanh; không được thả rông.

         Trước chuồng nuôi có khay hoặc hố sát trùng, có khu vực thay giày dép, ủng, đồ bảo hộ trước khi vào khu vực nuôi. Không để các phương tiện đi lại (xe máy, xe đạp…) cạnh chuồng.

Phải có kho chứa (bố trí riêng biệt cho từng nhóm: Thức ăn, nguyên liệu thức ăn; Dụng cụ chăn nuôi; Hóa chất sát trùng độc hại)

Xung quanh mỗi dãy chuồng phải có rãnh thoát nước thải, cuối dãy hoặc cuối mỗi khu vực chăn nuôi phải có hố ga (hầm biogas)

          - Bảo đảm có nước sạch thường xuyên. Dụng cụ chăn nuôi và vệ sinh chỉ dùng riêng cho từng dãy chuồng. Cọ rửa và phơi khô sau khi sử dụng hằng ngày. Nếu nuôi sinh sản phải có đủ ổ đẻ.

          3. Về thức ăn, nước uống

          - Không cho gia cầm ăn thức ăn mốc, thiu hoặc thức ăn có nguồn gốc xuất xứ từ vùng đang bị dịch bệnh. Thức ăn phải đảm bảo đủ dinh dưỡng cho gia cầm theo từng lứa tuổi.

          - Không dùng thức ăn quá hạn sử dụng, không nhập thức ăn từ vùng có dịch.

          - Phải đảm bảo có nước sạch thường xuyên.

          4. Vệ sinh phòng bệnh

          - Trước khi vào khu vực nuôi, người chăn nuôi phải rửa tay chân sạch sẽ và mặc quần áo bảo hộ.

- Hạn chế người và động vật ra vào khu chăn nuôi, dùng lưới ngăn không cho gia cầm tiếp xúc với chim hoang dã.

          - Định kỳ phun thuốc sát trùng trong và xung quanh chuồng nuôi.

          - Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccin phòng bệnh cho gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

          - Khi đàn gia cầm có triệu chứng bỏ ăn, ủ rũ phải báo ngay cho nhân viên thú y. Không dấu dịch bệnh, không bán chạy gia cầm bệnh.

          - Sau khi xuất bán gia cầm, cần vệ sinh, sát trùng chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi, vườn chăn thả.

          - Thu gom phân đánh đống ủ kỹ (từ 15-30 ngày) để tiêu diệt mầm bệnh.

          - Để trống chuồng ít nhất 15 ngày trước khi đưa đàn mới vào nuôi. Nếu bị dịch bệnh thì phải để trống chuồng ít nhất 3 tháng.

- Thực hiện “5 không”: Không chăn thả rông gia cầm; Không mua, bán gia cầm bị bệnh; Không ăn thịt gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc; Không giấu dịch; Không vứt xác gia cầm bừa bãi.

Chăn nuôi theo hình thức an toàn sinh học mang lại nhiều lợi ích rõ rệt như: Giảm tỷ lệ dịch bệnh, hạn chế sử dụng kháng sinh, giúp bảo đảm sức khỏe đàn vật nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao thu nhập cho người nuôi. Người chăn nuôi cần chủ động áp dụng các biện pháp an toàn sinh học cần thiết để đem lại hiệu quả kinh tế cao và phát triển chăn nuôi bền vững.

HƯỚNG DẪN MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI

Sau một thời gian dài được kiểm soát thì hiện nay bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã tái phát tại một số địa phương trên địa bàn huyện Triệu Phong, thị xã Quảng Trị và đang có nguy cơ lây lan trên diện rộng. Để chủ động trong công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, chúng tôi xin hướng dẫn bà con chăn nuôi các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau:

1. Thông tin về bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra, bệnh lây lan rất nhanh, xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế với tỷ lệ lợn chết lên đến 100%.

Vi rút gây bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường. Lợn khỏi bệnh có khả năng mang vi rút trong thời gian dài; có thể trở thành vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy nếu để xảy ra bệnh sẽ rất khó để loại trừ được mầm bệnh.

Vi rút Dịch tả lợn Châu Phi lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm vi rút như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo và ăn thức ăn thừa chứa thịt lợn nhiễm bệnh hoặc qua chó, mèo, chim chuột,… nhiễm mầm bệnh.

Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có biểu hiện lâm sàng và bệnh tích tương tự như bệnh Dịch tả lợn cổ điển và thường ghép với một số bệnh thường xảy ra như: bệnh Dịch tả lợn cổ điển, bệnh Tai xanh, bệnh Tụ huyết trùng, bệnh Phó thương hàn, bệnh Đóng dấu lợn,… do đó cần phải lấy mẫu và chẩn đoán trong phòng thí nghiệm mới xác định được bệnh.

Mặc dù, vắc xin NAVET - ASFVAC của Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương NAVETCO và vắc xin AVAC - ASF LIVE của Công ty cổ phần AVAC Việt Nam đã được cấp Giấy chứng nhận lưu hành sử dụng để phòng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi nhưng tại Quảng Trị vẫn chưa được sử dụng. Vì vậy, giải pháp chính hiện nay vẫn là phòng bệnh, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi mới xuất hiện ở phạm vi nhỏ chưa lây lan; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn và thực hiện tốt kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học là các biện pháp chính để phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

2. Triệu chứng của lợn khi mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi có biểu hiện triệu chứng lâm sàng khác nhau tùy thuộc vào độc lực vi rút, số lượng vi rút xâm nhập và đường xâm nhập vào cơ thể lợn. Triệu chứng thường gặp là lợn sốt cao (40 - 42ºC), giảm bạch cầu, xuất huyết ngoài da (đặc biệt da vùng tai và hông), tỷ lệ chết rất cao. Lợn bệnh thường có biểu hiện ở các thể bệnh như sau:

a) Thể quá cấp tính: do vi rút có độc lực cao gây ra, lợn sẽ chết nhanh, không biểu hiện triệu chứng hoặc lợn sẽ nằm và sốt cao trước khi chết.

b) Thể cấp tính: do vi rút có độc lực cao gây ra

Lợn sốt cao (40,5 - 42ºC). Trong 2 - 3 ngày đầu tiên, giảm bạch cầu và giảm tiểu câu. Lợn không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, lợn thích nằm ở chỗ có bóng râm hoặc gần nước.

Lợn có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng có thể xuất hiện màu sẫm xanh tím.

Trong 1 - 2 ngày trước khi con vật chết, có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, thở gấp, khó thở hoặc có bọt lẫn ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón, phân cứng đóng viên có kích thước nhỏ, có chất nhầy và máu.

Lợn sẽ chết trong vòng 6 - 13 ngày hoặc có thể kéo dài hơn 20 ngày.

Lợn mang thai có thể sảy ở mọi giai đoạn.

Tỷ lệ chết cao lên tới 100%.

Lợn khỏi bệnh hoặc nhiễm vi rút  thể mãn tính thường không có triệu chứng, nhưng chúng sẽ là vật chủ mang vi rút Dịch tả lợn Châu Phi suốt đời.

c) Thể á cấp tính: do vi rút có độc tính trung bình gây ra.

Lợn biểu hiện triệu chứng không nghiêm trọng. Lợn sốt nhẹ hoặc sốt lúc tăng lúc giảm, giảm ăn, sụt cân, ủ rũ, viêm toàn bộ phổi nên khó thở, ho có đờm, phổi có thể bội nhiễm vi khuẩn kế phát, viêm khớp, vận động khó khăn.

Bệnh kéo dài từ 5 đến 30 ngày, nếu máu ứ trong tim (cấp tính hoặc suy tim) thì lợn có thể chết, lợn mang thai sẽ sảy thai; lợn chết trong vòng 15 - 45 ngày, tỷ lệ chết khoảng 30 - 70%. Lợn có thể khỏi hoặc bị nhiễm bệnh mãn tính.

d) Thể mãn tính: gây ra bởi vi rút có độc tính trung bình hoặc thấp.

Lợn có nhiều triệu chứng khác nhau, như giảm cân, sốt không ổn định, có triệu chứng hô hấp, hoại tử da, hoặc viêm loét da mãn tính, viêm khớp, viêm cơ tim, viêm phổi dính sườn, viêm các khớp khác nhau trong giai đoạn phát triển.

Triệu chứng kéo dài 2 - 15 tháng, có tỷ lệ chết thấp, lợn khỏi bệnh sẽ trở thành dạng mãn tính.

3. Phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi

Một là, chuồng trại phải có hàng rào, ranh giới cách ly với bên ngoài; Có biện pháp diệt côn trùng và các loài gặm nhấm; không cho chó, mèo, chim, chuột, ruồi muỗi, ve bét,… xâm nhập vào trại (có thể dùng lưới chống côn trùng bao phủ toàn bộ chuồng trại).

Lối ra vào trại phải có hố luôn có chứa các chất sát trùng; có khu vực nuôi cách ly lợn trước khi cho nhập đàn và khu nuôi cách ly lợn mắc bệnh. Không được nuôi thả rông, chuồng nuôi phải được che chắn, nền chuồng phải cao ráo, sạch sẽ.

Hạn chế thương lái khách tham quan ra vào khu vực chăn nuôi. Trong trường hợp phải đi vào chuồng nuôi cần phải thay trang phục và mang ủng hoặc giày dép của trại; Đồng thời, thực hiện tiêu độc khử trùng cho người, dụng cụ chăn nuôi và toàn bộ phương tiện khi ra vào trại.

Hai là, phải tăng cường chăm sóc, cung cấp thức ăn có đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho đàn lợn. Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng các bệnh cho lợn như: Dịch tả lợn cổ điển, tai xanh, lở mồm long móng, tụ huyết trùng, đóng dấu lợn,… theo khuyến cáo của cơ quan thú y.

Ba là, hàng ngày phải thực hiện vệ sinh cơ giới và tiêu độc khử trùng chuồng trại ít nhất là 01 lần/ngày khi địa phương có dịch và 2-3 lần/tuần khi các xã liền lề có dịch bằng các chất sát trùng như: Vôi, Benkocid, Iodine, BKA, Xút,… nồng độ thuốc sát trùng pha theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Bốn là, con giống đưa vào chăn nuôi phải mạnh khỏe, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Khi nhập lợn về nuôi phải khai báo với chính quyền địa phương và khi xuất bán phải khai báo kiểm dịch với cơ quan thú y.

Trong khi tình hình dịch bệnh chưa ổn định thì hạn chế nhập mới lợn về nuôi nhất là từ khu vực đang có dịch. Trong trường hợp cần thiết thì chỉ nên nhập lợn từ các trại chăn nuôi có Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh, có giấy xét nghiệm âm tính với vi rút Dịch tả lợn Châu Phi còn hiệu lực và có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y và phải thực hiện các bước tái đàn theo hướng dẫn tại điểm b, phần lưu ý.

Năm là, chỉ nên sử dụng các sản phẩm thịt lợn đã được cơ quan thú y kiểm dịch. Không mua và sử dụng các sản phẩm thịt lợn không rõ nguồn gốc và không chế biến gần khu vực chăn nuôi.

Thức ăn cho lợn phải có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn theo quy định; hạn chế tối đa việc sử dụng thức ăn thừa, tái chế từ các nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp. Trường hợp sử dụng thức ăn thừa phải xử lý nhiệt để diệt được mầm bệnh trong thức ăn; đồng thời vệ sinh, sát trùng dụng cụ chứa đựng thức ăn trước và sau khi đưa vào khu vực chăn nuôi.

Sáu là, khi phát hiện đàn lợn có những biểu hiện sốt cao, bỏ ăn hàng loạt, chết, ... hoặc lợn có các triệu chứng điển hình của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi như đã nêu ở trên thì phải nhanh chóng báo cho nhân viên thú y, chính quyền địa phương Trạm Chăn nuôi và Thú y để có biện pháp xử lý; ngừng xuất lợn giống và kiểm soát chặt việc xuất sản phẩm, vật tư trong khu chăn nuôi lợn ra ngoài theo quy định. Đồng thời, thực hiện tốt “5 không” đó là:

1. Không giấu dịch.

2. Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết.

3. Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết.

4. Không vứt lợn bệnh chết ra môi trường.

5. Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt cho lợn ăn.

* Lưu ý:

a) Khi xảy ra dịch tại ô chuồng hay cả chuồng cần tiêu độc, khử trùng tại chỗ, như sau:

- Cần che bạt, bao vây kín ô chuồng hoặc cả chuồng, với lợn nuôi con loại ngay nái và toàn bộ lợn con, đối với các loại lợn khác loại toàn bộ ô chuồng hoặc cả chuồng nếu dịch xảy ra cả chuồng hoăc cả ô chuồng.

- Lợn bị bệnh phải tiêu hủy theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Lập hồ sơ tiêu hủy theo quy định để được nhà nước hỗ trợ khi có chính sách.

- Không rửa ngay ô chuồng hoặc chuồng lợn bị bệnh, tiến hành che bạt, bao vây kín, phun chất sát trùng đẫm gấp 2 lần bình thường liên tục 3-4 ngày, sau đó rửa lại bằng nước sạch, tránh làm bắn nước sang ô chuồng hoặc chuồng kế bên, tiếp tục phun sát trùng 2-3 ngày.

- Bao bì, dụng cụ đựng thức ăn của đàn lợn bị dịch bệnh phải được tiêu độc, khử trùng thật kỹ.

b) Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, hộ chăn nuôi nào có nhu cầu tái đàn lợn thì thực hiện trình tự theo các bước như sau:

- Nuôi chỉ báo với số lượng hợp lý, phù hợp với công suất nuôi của cơ sở để bảo đảm không có dịch bệnh tái phát trong khoảng thời gian ít nhất 21 ngày.

- Hằng ngày theo dõi, giám sát chặt chẽ số lợn nuôi chỉ báo trong thời gian ít nhất 21 ngày; trường hợp cần thiết lấy mẫu xét nghiệm phát hiện mầm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (chủ cơ sở có thể tự lấy mẫu dưới sự giám sát của cán bộ thú y). Trường hợp nghi lợn bị bệnh, phải khai báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

- Sau khi nuôi chỉ báo ít nhất 21 ngày, nếu lợn không có biểu hiện bệnh hoặc mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (áp dụng đối với trường hợp lấy mẫu xét nghiệm), thực hiện nuôi tái đàn thận trọng và có thể nuôi đạt 100% quy mô chăn nuôi của cơ sở.

Đào Văn An

                                                            Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị

Công tác tiêm phòng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trong 9 tháng đầu năm 2023

Căn cứ Kế hoạch số 351/KH-SNN ngày 20/02/2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT về Kế hoạch tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm năm 2023, ngày 27/02/2023 Chi cục Chăn nuôi và Thú y ban hành Thông báo số 09/KH-CNTY-QLDB về việc tiêm phòng gia súc, gia cầm vụ Xuân năm 2023; Thông báo số 37/TB-CNTY-QLDB ngày 31/7/2023 về việc tiêm phòng gia súc, gia cầm vụ Thu năm 2023 và cung ứng vắc xin để các Trạm tổ chức triển khai tiêm phòng. Kết quả:

* Vụ Xuân

- Các loại vắc xin tiêm phòng cho lợn được 141.216 con (trong đó trang trại 111.556 con); đạt tỷ lệ 80,2% kế hoạch.

- Vắc xin THT trâu bò tiêm được 20.411 con, đạt tỷ lệ 33,1% kế hoạch.

- Vắc xin LMLM trâu bò tiêm được 40.847 con; đạt tỷ lệ 66,3 % kế hoạch

- Vắc xin Viêm da nổi cục trâu bò tiêm được 28.807 con;  đạt 46,76% kế hoạch

- Vắc xin Dại chó tiêm được 32.262 con; đạt tỷ lệ 70,1% kế hoạch;

- Vắc xin cúm gia cầm tiêm được: 1.477.551 lượt con (trong đó vắc xin do ngân sách cấp:  259.751 lượt con; vắc xin trang trại tiêm được 1.217.800 con).

* Vụ Thu (Tính đến ngày 07/9/2023)

- Các loại vắc xin tiêm phòng cho lợn được 44.640 con (trong đó trang trại 29.150 con); đạt tỷ lệ 25,4% kế hoạch.

- Vắc xin THT trâu bò tiêm bổ sung 5.450 con, lũy kế được 25.861 con, đạt tỷ lệ 42% kế hoạch.

- Vắc xin LMLM trâu bò tiêm được 17.141 con; đạt tỷ lệ 27,8 % kế hoạch

- Vắc xin Viêm da nổi cục trâu bò tiêm được 42.853 con;  đạt 69,57% kế hoạch

- Vắc xin Dại chó tiêm bổ sung được 518 con, lũy kế được 32.780 con; đạt tỷ lệ 71,3% kế hoạch;

- Vắc xin cúm gia cầm tiêm được: 175.528  lượt con (trong đó vắc xin do ngân sách cấp:  92.028 lượt con; vắc xin trang trại tiêm được 83.500 con).

công tác quản lý giống vật nuôi và an toàn thực phẩm trong chăn nuôi 9 tháng đầu năm 2023

- Hoàn thành công tác giám định bình tuyển đàn lợn đực giống thụ tinh nhân tạo (TTNT) tại 03 cơ sở trại đực giống với tổng số cá thể lợn đực giống làm thụ tinh nhân tạo là 37 con. Các cá thể được kiểm tra, giám định đều đảm bảo chất lượng để khai thác tinh phục vụ công tác thụ tinh nhân tạo.

- Hoàn thành công tác kiểm tra chất lượng đàn lợn đực giống để phối giống trực tiếp nhằm mục đích thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Trị năm 2023 ở 10 cơ sở chăn nuôi với tổng số cá thể lợn đực giống làm dịch vụ phối giống trực tiếp là 22 con. Tất cả các cá thể lợn đực giống trên đều không có lý lịch con giống, hầu hết các cơ sở không thực hiện ghi chép theo dõi hoạt động khai thác và chưa thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT.

- Hoàn thành công tác kiểm tra chất lượng tinh trên thị trường, đã tiến hành kiểm tra tại 21 cơ sở bán tinh lợn trên toàn tỉnh với 40 mẫu tinh được kiểm tra. Kết quả kiểm tra có 38/40 mẫu tinh được kiểm tra có hoạt lực, mật độ quan sát trên vi trường đảm bảo tiêu chuẩn, chiếm 95%; có 02/40 mẫu tinh được kiểm tra hoạt lực tinh trùng không đạt tiêu chuẩn, chiếm 5%.

- Hoàn thành công tác kiểm tra duy trì điều kiện an toàn thực phẩm của các trang trại chăn nuôi, đã kiểm tra 24 trang trại chăn nuôi. Trong đó, có 18 trang trại đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm, 03 trang trại không kiểm tra được (do chủ trang trại bận việc đột xuất) và 03 trang trại tạm ngừng hoạt động và sẽ báo cáo cơ quan chuyên môn để thực hiện kiểm tra khi khôi phục lại hoạt động chăn nuôi.

- Đã triển khai hỗ trợ xã Mó Ó xây dựng nông thôn mới trong năm 2023 với các hạng mục hỗ trợ gồm: 01 tủ thuốc, 01 tủ lạnh, vắc xin, thuốc thú y, 01 lớp tập huấn về chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi gia cầm, dê.

Kết quả thực hiện các chính sách chăn nuôi trong 09 tháng đầu năm 2023

- Nghị quyết số 160/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh về việc Quy định khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và quy định vùng nuôi chim Yến:

Đã tổng hợp báo cáo nhu cầu đăng ký hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi trong năm 2023 có 54 cơ sở chăn nuôi (gồm 51 hộ chăn nuôi, 02 trang trại quy mô nhỏ, 1 trang trại quy mô vừa), tổng kinh phí đề nghị hỗ trợ di dời là 226.000.000 đồng (ngân sách tỉnh 158.200.000đ, ngân sách huyện 67.800.000đ). Hiện nay, Chi cục đang tổng hợp nhu cầu hỗ trợ năm 2024.

- Nghị quyết số 162/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ, phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026:

Trong năm 2023, UBND tỉnh đã giao chỉ tiêu thực hiện đối với lĩnh vực chăn nuôi gồm: 17,5 ha cỏ, 3ha ngô sinh khối, 5 mô hình chăn nuôi bò chuyên thịt thâm canh. Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đang tích cực phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương thực hiện các hạng mục thuộc lĩnh vực chăn nuôi. Các địa phương đang tích cực triển khai thực hiện, có một số địa phương đã hoàn thành công tác chọn hộ và đang tổ chức thẩm định dự án.

- Đề án 6060/ĐA-UBND ngày 31/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc khôi phục đàn lợn sau bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021-2025.

Căn cứ vào nhu cầu đăng ký của UBND các huyện, thị xã, thành phố, Chi cục đã tổng hợp và tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh, Sở Tài chính xem xét bố trí kinh phí hỗ trợ lãi suất vay vốn thực hiện Đề án trong năm 2023, gồm có 03 địa phương (Vĩnh Linh, Hải Lăng, Đakrông) với tổng vốn vay là 2.580 triệu đồng (tương ứng lãi suất nhà nước hỗ trợ 103,2 triệu đồng), các địa phương còn lại không có nhu cầu hỗ trợ. Chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành văn bản rà soát lại nhu cầu hỗ trợ trong năm 2023 để trình UBND tỉnh phân bổ kinh phí, đồng thời đang tổng hợp nhu cầu đăng ký hỗ trợ năm 2024.

Tình hình Dịch bệnh động vật tyển địa bàn tỉnh Quảng Trị trong thời gian 9 tháng đầu năm 2023

-   Bệnh gia súc, gia cầm

Bệnh Lở mồm long móng: Từ ngày 19/01 đến ngày 31/01/2023 xảy ra tại xã A Vao, huyện Đakrông với tổng số 100 con bò bị bệnh.

 

Bệnh Dại chó: Ngày 14/4/2023 phát hiện 01 ca bệnh dại chó qua lấy mẫu giám sát bị động đối với trường hợp 01 con chó chết của hộ bà Hà Thị Tâm ở tại Khóm 5, thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh (trước khi chết chó đã tấn công cắn 01 người dân tại địa phương vào ngày 06/4/2023).

 

Dịch bệnh khác: Theo báo cáo của Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị xã, thành phố toàn tỉnh có 48 con trâu, bò mắc bệnh THT trâu bò; 92 con lợn mắc bệnh THT lợn (chết 01con); 35 con lợn mắc bệnh PTH lợn; 7 con lợn bị E.Coli sưng phù đầu và 206 con lợn mắc bệnh tiêu chảy xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và đã được điều trị lành.

 

-   Bệnh thủy sản

 

Từ đầu năm 2023 đến nay, bệnh Hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm nuôi đã xảy ra tại địa bàn 7 xã, phường của 04 huyện, thành phố với tổng diện tích bị bệnh 38,19 ha, cụ thể: huyện Vĩnh Linh: 20,03 ha; huyện Triệu Phong: 5,15 ha; huyện Gio Linh: 2,71 ha; TP. Đông Hà: 10,3 ha.

 

Khi có thông tin về dịch bệnh Chi cục đã chỉ đạo Phòng chuyên môn, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, thành phố tổ chức kiểm tra tình hình thực tế, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh đồng thời phối hợp lấy mẫu xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh. Ngay khi có kết quả xét nghiệm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã kịp thời cấp 17.247 kg hóa chất chlorine từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ các hộ nuôi xử lý dập dịch góp phần ngăn chặn và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Ngoài ra có 315,97 ha (huyện Vĩnh Linh: 248,57 ha, huyện Triệu Phong: 67,4 ha) xảy ra hiện tượng tôm chết nhưng người nuôi không báo cáo và phối hợp lấy mẫu nên không xác định nguyên nhân gây bệnh.

Công tác Kiểm dịch, Kiểm soát giết mổ trên địa bàn tỉnh trong tháng 8/2023

1. Công tác kiểm dịch vận chuyển:

Đã thực hiện được 225 hồ sơ (222 hồ sơ động vật, 03 hồ sơ SPĐV). Kiểm dịch được 416 con trâu bò; 9.103 con lợn thịt; 31.700 con gia cầm; 5.265 con dê; 973 con chó và 43.500 kg SPĐV.

2. Công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y:

Đã kiểm tra, kiểm soát giết mổ được 15.526con lợn thịt; 1.526 con trâu bò; 346 con dê và 28.170 con gia cầm.

Phản ánh mới

Phản ánh bình thường

Xe máy mini tham gia giao thông gây mất an toàn. Địa điểm phản ánh: Đường Nguyễn Trãi, thành phố Đông Hà. Kính mong các ban ngành liên quan xem xét.

Tình trạng xe máy mini tham gia giao thông ngày một nhiều, rất dễ tai nạn vì quá nhỏ khó quan sát

23/04/2024 15:15

Phường 5, Thành phố Đông Hà, Tỉnh Quảng Trị
Phản ánh bình thường

Hệ thống ống nước gây mất mỹ quan

Địa chỉ 87-89 Tôn Thất Thuyết, Phường 5, Đông Hà. Trước đây, khu vực này nằm trên phần đất nền cao. Khi được làm vỉa hè thì còn sót lại phần ống nước vào 2 hộ dân nằm lồi lên trên mặt đất, như ảnh. Kính mong được quý cơ quan quan tâm, xử lý để làm đẹp cảnh quan khu phố hơn. Xin cảm ơn.

22/04/2024 14:27 1

Thành phố Đông Hà, Tỉnh Quảng Trị, Việt Nam
Phản ánh bình thường

Dây cáp, dây điện võng xuống gây mất an toàn

Tình trạng dây điện chằng chịt dọc tuyến đường Thôn Lại An, xã Gio Mỹ , huyện Gio Linh mà các đơn vị liên quan đã rất lâu không xử lý !

22/04/2024 10:10

Huyện Gio Linh, Tỉnh Quảng Trị, Việt Nam
Phản ánh bình thường

Nắp cống vỡ gây mất an toàn

Nắp cống bị vỡ, nguy cơ mất an toàn, khu vực thường xuyên có trẻ em chơi. Địa điểm phản ánh đối diện nhà 174 Hoàng Diệu, Đông Thanh, Đông Hà. Kính mong các ban ngành liên quan xem xét, xử lý sớm.

22/04/2024 08:19

Phường Đông Thanh, Thành phố Đông Hà, Tỉnh Quảng Trị
Phản ánh bình thường

Tuyến cáp xà xuống đường gây mất an toàn

Một số cáp nhà Mạng hơi sà trước mặt nhà 44 LÃN ÔNG, ĐÔNG HÀ. Kính nhờ các đơn vị liên quan xác minh dây sử dụng, bó gọn đảm bảo mỹ quan và an toàn cho người dân. Trân trọng cám ơn !

22/04/2024 08:19

Phường 5, Thành phố Đông Hà, Tỉnh Quảng Trị
Xem thêm 

THỐNG KÊ KẾT QUẢ XỬ LÝ PHẢN ÁNH

THỐNG KÊ MỨC ĐỘ HÀI LÒNG CỦA PHẢN ÁNH

Thông tin tuyên truyền Xem thêm