DỰ KIẾN DỊCH HẠI CHÍNH TRÊN CÂY TRỒNG CHÍNH
1. Trên cây lúa
1.1. Chuột: Gây hại nhiều nơi ngay từ đầu vụ và gây hại nặng giai đoạn lúa làm đòng - trổ nếu công tác diệt chuột không được thực hiện trước khi xuống vụ và thường xuyên, liên tục.
1.2. Ốc bươu vàng: Gây hại chủ yếu từ khi lúa mới gieo đến kết thúc đẻ nhánh, hại nặng khi lúa mới gieo, ăn mầm lúa và lúa non làm tốn công tỉa dặm và gieo lại.
1.3. Rầy nâu, rầy lưng trắng: Dự kiến từ 15/1 rầy bắt đầu xuất hiện và mật độ tăng dần, từ 15/3 trở đi rầy sẽ gây hại nhiều nơi. Trong vụ rầy sẽ phát sinh 4 lứa chính:
- Lứa 1: Từ 15/1 - 15/2 trên lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh.
- Lứa 2: Từ 15/2 - 15/3 hại lúa đẻ nhánh - đứng cái.
- Lứa 3: Từ 15/3 - 15/4 hại lúa làm đòng - trổ bông.
- Lứa 4: Từ 15/4 - 15/5 hại lúa giai đoạn trổ - chín.
Lứa 3 và 4 có mật độ cao, gây hại nặng, lứa 4 có thể gây cháy rầy ảnh hưởng lớn đến năng suất.
1.4. Sâu cuốn lá nhỏ:
Vụ ĐX sẽ xuất hiện nhiều lứa chính và gối nhau, dự kiến sẽ có 4 lứa chính:
- Lứa 1: 20/1 - 25/2: Gây hại lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh. Mật độ lứa sâu này chưa cao nhưng sẽ tích luỹ cho các lứa sau.
- Lứa 2: 25/2 - 30/3: Hại lúa đứng cái - làm đòng. Đây là lứa sâu thường có mật độ cao, cần theo dõi phát hiện sớm và phòng trừ đúng thời điểm để hạn chế tác hại và giảm mật độ lứa sau.
- Lứa 3: từ 1/4 - 30/4: Hại lúa làm đòng - trổ bông. Đây là lứa sâu gây hại bộ lá công năng, ảnh hưởng đến năng suất. Hại nặng trên ruộng bón thừa đạm, gieo dày, bộ lá xanh tốt…
- Lứa 4: Từ 1/5 đến hết vụ, lứa này chủ yếu phát sinh trên lúa muộn.
1.5. Sâu đục thân (hai chấm, 5 vạch): Có thể xuất hiện 3 lứa chính.
- Lứa 1: 20/1 - 10/3 hại mạ và lúa đẻ nhánh - đứng cái.
- Lứa 2: Từ 10/3 - 25/4 hại lúa đứng cái cho đến làm đòng - trổ bông. Đây là lứa sâu gây bông bạc ảnh hưởng lớn đến năng suất.
- Lứa 3: Từ 25/4 đến cuối vụ, hại lúa giai đoạn trổ - chín, hại nặng lúa trà muộn.
1.6. Nhện gié: Có thể gây hại ở mọi giai đoạn, hại nặng giai đoạn lúa đứng cái - làm đòng đến cuối vụ, cần chú ý những vùng đã bị nhện gié hại nặng trong vụ Hè Thu 2022 và một số giống bị hại nặng như HN6, ST24, ST25, HT1, …
1.7. Bệnh lùn sọc đen: Phát sinh gây hại từ khi lúa mới gieo (khi có rầy mang mầm bệnh di trú xuống ruộng) đến cuối vụ, biểu hiện triệu chứng bệnh sau khi gieo 20-30 ngày.
1.8. Bệnh đạo ôn: Bệnh phát sinh gây hại từ đầu vụ đến cuối vụ.
Đạo ôn lá: Phát sinh từ giữa tháng 1, hại lúa từ giai đoạn mạ - làm đòng, bệnh sẽ phát triển mạnh, gây hại nặng khi thời tiết âm u, có mưa phùn hoặc đêm và sáng sớm có sương mù trong tháng 2-3.
Đạo ôn cổ bông: Phát sinh gây hại từ đầu tháng 4 cho đến cuối vụ, hại lúa giai đoạn trổ - chín, bệnh tấn công cổ lá đòng, cổ bông, cổ gié, đốt thân gây hiện tượng bông bạc hoặc khô gié làm ảnh hưởng lớn đến năng suất. Bệnh hại nặng khi gặp thời tiết thuận lợi (ẩm độ cao, nhiệt độ thấp, ngày nắng đêm sương...), trên ruộng bón thừa đạm, giống nhiễm, ruộng không bơm trừ đạo ôn lá.
1.9. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Bệnh có thể phát sinh từ giữa tháng 3, gây hại nặng vào khoảng cuối tháng 3 - tháng 4 (giai đoạn lúa làm đòng - trổ bông - chín sữa). Bệnh thường phát sinh và lây lan sau những trận mưa dông, hại nặng trên các giống nhiễm như: HC95, Khang dân, Bắc thơm 7... và trên các ruộng bón thừa đạm, thiếu ánh sáng…
1.10. Bệnh khô vằn: Gây hại trên diện rộng, đặc biệt hại nặng trên những diện tích gieo dày, bón nhiều phân đạm, bón phân muộn, đất bị yếm khí. Bệnh bắt đầu phát sinh trên lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh, lây lan nhanh giai đoạn lúa làm đòng và gây hại nặng dần cho đến hết vụ.
1.11. Bệnh lem lép hạt: Hại nặng trên các chân ruộng cát pha, thịt nhẹ, vùng chăm sóc muộn và trổ gặp thời tiết bất thuận từ khi lúa trổ đến chín.
1.12. Bệnh lúa von: Phát sinh giai đoạn mạ đến làm đòng, gây hại giai đoạn lúa trổ - chín, hại nặng trên các giống nhiễm như Ma Lâm 48, P6, Khang dân...
1.13. Sâu keo, bọ trĩ, dòi đục nõn, rệp mềm: Gây hại từ đầu vụ cho đến cuối đẻ nhánh. Sâu keo gây hại nặng lúa giai đoạn 3 - 5 lá. Thời tiết ấm, ruộng thiếu nước sẽ là điều kiện thuận lợi cho bọ trĩ phát sinh gây hại.
Ngoài ra còn có các đối tượng dịch hại khác như tuyến trùng hại rễ, sâu phao, bệnh vàng lá sinh lý, thối thân thối bẹ, đốm nâu,... có khả năng phát sinh và gây hại nặng cục bộ.
2. Trên cây công nghiệp dài ngày
2.1. Trên cây hồ tiêu
- Tuyến trùng hại rễ: Gây hại quanh năm, biểu hiện triệu chứng bị hại nặng vào các tháng mùa khô. Tuyến trùng hại nặng cây có biểu hiện lá vàng, còi cọc, cây phát triển kém.
- Bệnh chết chậm: Phát sinh gây hại quanh năm, hại nặng trên những vườn tiêu bị tuyến trùng, rệp sáp gây hại, những vườn cây bị tổn thương vùng rễ,vườn chăm sóc kém...
- Bệnh chết nhanh: Gây hại nặng trong mùa mưa và sau những đợt mưa lớn (từ tháng 10/2022 đến tháng 3 năm 2023) và tồn tại suốt năm. Đặc biệt bệnh phát triển mạnh trên những vườn bị ngập úng do mưa lớn, thoát nước kém, chăm sóc không kịp thời, không xử lý nguồn bệnh trên vườn.
- Rệp sáp: Mùa khô chủ yếu rệp sáp hại rễ, mùa mưa hại thân, cành quả. Vườn bị rệp sáp gây hại cây chuyển màu vàng, gây hiện tượng rụng lá, rụng quả, rệp hại rễ tạo điều kiện cho các loại nấm xâm nhập, gây hại.
Ngoài ra, bệnh thán thư, đốm lá, rệp mềm... hại mức độ nhẹ đến trung bình.
2.2. Trên cây cà phê
- Rệp các loại: Rệp hại nặng vào mùa khô và trên vườn cà phê kiến thiết cơ bản, những vườn chăm sóc kém, công tác phòng trừ ít được quan tâm.
- Bệnh khô cành, khô quả, thán thư, gỉ sắt: Đây là những đối tượng bệnh gây hại chủ yếu trên cây cà phê làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng quả. Bệnh phát sinh gây hại quanh năm, hại nặng từ các tháng 8, 9 cho đến cuối vụ thu hoạch. Những vườn cà phê lâu năm, chế độ dinh dưỡng không đầy đủ bệnh gây hại nặng hơn.
Ngoài ra còn có bệnh nấm hồng, vàng lá, sâu khoanh vỏ, sâu đục thân,... hại cục bộ mức độ nhẹ đến trung bình.
2.3. Cây cao su:
- Bệnh xì mủ, loét sọc miệng cạo: Gây hại quanh năm, hại nặng trong mùa mưa, trên những vườn thoát nước kém bệnh hại nặng hơn.
- Bệnh phấn trắng, héo đen đầu lá: Hại nặng trong thời kỳ ra lộc non đến ổn định lá từ tháng 2-4/2023.
- Bệnh nấm hồng, thối mốc mặt cạo: Thường gây hại nặng từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.
Ngoài ra, bệnh vàng lá Corynespora, bệnh cháy nắng, rụng lá mùa mưa... gây hại cục bộ một số vùng, nhất là những vườn cao su trồng trên tầng đất mỏng, chế độ đầu tư không đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cây.
3. Trên cây lạc, ngô và rau màu
3.1. Trên cây lạc: Bệnh héo xanh vi khuẩn, bệnh thối gốc mốc đen, thối gốc mốc trắng, sâu khoang, sâu xanh,... phát sinh từ giai đoạn cây con và gây hại nặng giai đoạn phân cành, ra hoa. Bệnh gỉ sắt, đốm lá gây hại giai đoạn cuối vụ.
3.2. Trên cây ngô: Sâu keo mùa thu sẽ phát sinh gây hại nhiều nơi, hại nặng từ giai đoạn ngô 2-3 lá trở đi.
3.3. Trên rau, quả các loại:
Có khả năng phát sinh một số đối tượng dịch hại chính sau:
- Thời kỳ cây con: Sâu xám, sùng hại gốc rễ, bệnh lở cổ rễ, héo rũ, bệnh chết rạp cây con, ....
- Thời kỳ phát triển thân lá, củ, quả: Sâu đục quả, đục cành, rệp, nhện đỏ, bệnh thối dây, thối quả, bệnh thán thư, bệnh sương mai hại trên dưa, đậu, mướp,... sâu tơ, bọ nhảy… hại rau họ thập tự.
4. Trên cây sắn:
- Rệp sáp bột hồng: Phát sinh và gây hại ở nhiều địa phương, hại nặng ở các vùng đã nhiễm rệp những năm trước và những tháng mùa khô.
- Bệnh khảm lá virus: Những năm qua bệnh khảm lá sắn đã phát sinh gây hại ở hầu hết các huyện trong tỉnh. Vì vậy, trong niên vụ tới bệnh có khả năng lây lan ra các vùng trồng sắn khác trên địa bàn tỉnh, nhất là những vùng nhập giống sắn từ các tỉnh đã bị bệnh và lấy giống các vùng đã bị nhiễm bệnh trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, bọ phấn, nhện đỏ, bệnh chổi rồng,... có thể gây hại nặng cục bộ một số vùng.
5. Trên cây ăn quả
5.1. Cây có múi (cam, bưởi)
- Sâu vẽ bùa: Phát sinh gây hại quanh năm có nhiều lứa gối nhau. Sâu non gây hại gắn liền các đợt lộc trong năm nhất là lộc xuân và lộc thu.
- Nhện đỏ, nhện trắng, nhện rám vàng: Phát sinh gây hại quanh năm trên lá bánh tẻ, lá già, quả non, nhện trắng thường phát sinh khi cây bắt đầu ra quả, nhện đỏ vào đầu mùa khô hạn.
- Rầy chổng cánh: Phát sinh gây hại quanh năm, cao điểm trùng với thời kỳ ra lộc, nhất là đợt lộc xuân và lộc thu. Ngoài ra rầy còn là môi giới truyền bệnh greening cho cây ăn quả có múi.
- Các loại dịch hại khác: Sâu đục thân, đục cành, bệnh Greening, bệnh sẹo, loét, chảy gôm... phát sinh gây hại trên các vườn cây ăn quả, cần theo dõi chặt chẽ và có kế hoạch phòng trừ hợp lý.
5.2. Cây chanh leo
- Nhện đỏ: Phát sinh gây hại trên vườn trồng mới giai đoạn cây con, đối với vườn kinh doanh năm 2, nhện sẽ tiếp tục gây hại lộc non, cành non sau khi cắt tỉa.
- Bệnh đốm dầu, ruồi đục quả: Phát sinh gây hại nặng vườn kinh doanh từ khi phát triển quả, hại nặng từ tháng 7-9, đặc biệt vườn năm 2 năm 3, những vườn không thực hiện vệ sinh đồng ruộng, không thu gom tàn dư như lá, quả bị hại trong vườn.
BIỆN PHÁP CHỈ ĐẠO
- Tập trung chỉ đạo các địa phương tuân thủ thực hiện đúng lịch thời vụ, cơ cấu cây trồng đã được Sở nông nghiệp và PTNT ban hành. Chọn giống tốt, giống kháng bệnh, giống có phẩm cấp. Không sử dụng những giống đã nhiễm bệnh từ vụ trước.
- Vận động nông dân tăng cường áp dụng IPM trong sản xuất tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, tăng sức chống chịu dịch hại và bảo vệ môi trường sinh thái.
- Gieo trồng với mật độ hợp lý, sử dụng công cụ sạ hàng, công cụ gieo hạt, bón cân đối các loại phân theo nhu cầu dinh dưỡng của cây. Tăng cường sử dụng phân chuồng đã ủ với chế phẩm Trichoderma để bón cho cây, hạn chế nguồn bệnh trong đất.
- Tưới nước cho cây trồng theo nhu cầu của cây ở từng giai đoạn. Tạo hệ thống thoát nước trong mùa mưa đối với cây trồng cạn.
- Thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện và dự báo chính xác khả năng phát sinh, mức độ gây hại của các loài dịch hại, tham mưu biện pháp phòng trừ kịp thời, có hiệu quả.
- Duy trì công tác theo dõi bẫy đèn đặc biệt là các vùng đã bị bệnh lùn sọc đen cần theo dõi sát diễn biến của rầy lưng trắng vào đèn, thu mẫu giám định virus để chủ động trong phun trừ môi giới.
- Bám sát cơ sở, theo dõi chỉ đạo phòng trừ dịch hại có nguy cơ phát sinh gây hại trên diện rộng ảnh hưởng lớn đến năng suất, nhất là chuột, ốc bươu vàng, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn, bệnh lùn sọc đen trên lúa, bệnh khảm lá virus hại sắn, sâu keo mùa thu hại ngô, bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu…
- Tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch “Đẩy mạnh ứng dụng Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, có tiềm năng xuất khẩu ở địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030./.