Dự báo SVGH chủ yếu trong kỳ tới
1. Trên cây lúa: Chuột, bệnh khô vằn,… tiếp tục gây hại nhiều nơi; nhện gié tiếp tục gây hại mạnh, hại nặng những vùng đã nhiễm nhện gié các năm trước và trên các giống nhiễm như HN6, Khang Dân, ST25…. Rầy các loại, sâu cuốn lá nhỏ tiếp tục gia tăng mật độ và diện tích nhiễm; bệnh bạc lá vi khuẩn có thể phát sinh gây hại thời gian tới nhất là sau những trận mưa.
Biện pháp phòng trừ:
- Duy trì diệt chuột bằng nhiều biện pháp để hạn chế gây hại, tuyệt đối không được dùng xung điện để diệt chuột.
- Tăng cường điều tra phát hiện nhện gié, nếu phát hiện triệu chứng gây hại với tỷ lệ từ 5% trở lên cần xử lý thuốc trừ nhện ngay bằng các loại thuốc có hoạt chất Quinalphos, Diafenthiuron, Hexythiazox… như Kinalux 25EC, Obamax 25EC, Detect 50WP, Lama 50EC...; những vùng đã bị nhện gây hại, vùng bị nhện gây hại nặng các năm trước và vùng sử dụng các giống nhiễm như HN6, Khang dân, ST25... nên phun thuốc phòng trừ nhện trước khi lúa trổ 5-7 ngày để hạn chế thiệt hại do nhện gây ra. Chú ý phải phun với lượng nước thuốc đã pha ít nhất 20 lít/ sào mới có hiệu quả.
- Thường xuyên kiểm tra mật độ rầy, sâu cuốn lá nhỏ trên đồng ruộng. Tiến hành phun thuốc trừ rầy ở những nơi có mật độ trên 750 con/m2, khi phun thuốc cần đi chậm, phun vào phần gốc lúa nơi rầy tập trung, đối với những ruộng có mật độ rầy quá cao thì sau 3 ngày kiểm tra lại nếu mật độ vẫn cao tiến hành phun lần 2. Phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ ở những nơi có mật độ khoảng 10-20 con/m2 trở lên, phun ngay khi sâu đang ở tuổi 1-2.
- Xử lý thuốc phòng trừ bệnh khô vằn, không để bệnh lây lan ra diện rộng. Có thể sử dụng các loại thuốc phổ rộng như Newtec, Amistar Top,... để phòng trừ nhóm bệnh lem lép, khô vằn.
Ngoài ra, cần theo dõi diễn biến các đối tượng dịch hại khác như: bệnh đốm nâu, thối thân thối bẹ, sâu đục thân,... để có biện pháp xử lý kịp thời.
2. Trên cây hồ tiêu: Bệnh chết chậm, chết nhanh, rệp, tuyến trùng... tiếp tục gây hại các vườn bị bệnh, vùng ổ dịch.
Biện pháp phòng trừ: Tiếp tục thu hoạch những diện tích còn lại, thực hiện các biện pháp chăm sóc sau thu hoạch, thực hiện các biện pháp chăm sóc, giữ ẩm cho gốc tiêu trong mùa khô. Kiểm tra, xử lý thuốc phòng trừ tuyến trùng, rệp sáp, bệnh chết chậm, chết nhanh...
3. Trên cây cà phê: Các đối tượng dịch hại như: Bệnh khô cành, thán thư, rệp sáp, rệp vảy... tiếp tục gây hại nhiều nơi, hại nặng trên các vườn cà phê già cỗi, các vườn không chú trọng công tác phòng trừ.
Biện pháp phòng trừ: Xử lý thuốc để phòng trừ sâu bệnh kết hợp bón phân chăm sóc, tăng cường phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh đảm bảo dinh dưỡng cho cây nuôi quả.
4. Trên cây cao su: Bệnh xì mủ, loét sọc mặt cạo tiếp tục phát sinh gây hại các vườn.
Biện pháp phòng trừ: Kiểm tra vườn thường xuyên, phát hiện và xử lý cây bị bệnh xì mủ, loét sọc mặt cạo. Tiến hành bôi thuốc trên mặt cạo và vết xì mủ bằng các loại thuốc đặc hiệu.
5. Trên cây sắn: Bệnh khảm lá virus, bọ phấn, nhện đỏ, rệp sáp bột hồng... tiếp tục phát sinh gây hại.
Biện pháp phòng trừ: Định kỳ kiểm tra đồng ruộng, khoanh vùng diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn, tập trung diệt trừ bọ phấn môi giới không để lây lan ra diện rộng. Xử lý thuốc trừ nhện đỏ những nơi mật độ, tỷ lệ hại cao. Điều tra theo dõi các đối tượng sâu, bệnh khác như rệp sáp bột hồng, bệnh chổi rồng,... để có biện pháp xử lý hiệu quả./.