Dự báo SVGH chủ yếu trong kỳ tới
1. Trên cây lúa: Chuột, bệnh khô vằn, vàng lá nghẹt rễ tiếp tục phát sinh gây hại; rầy các loại tiếp tục gia tăng mật độ và diện tích nhiễm; ốc bươu vàng, tuyến trùng,… tiếp tục gây hại trên lúa trà muộn, các chân ruộng thiếu nước. Sâu cuốn lá nhỏ đang tích lũy mật độ, nhện gié có thể phát sinh gây hại trên lúa gieo trà sớm.
Biện pháp phòng trừ:
- Tiếp tục diệt chuột và ốc bươu vàng bằng nhiều biện pháp để hạn chế thiệt hại, tuyệt đối không được dùng xung điện để đánh bắt chuột.
- Theo dõi chặt chẽ mật độ rầy trên đồng ruộng, phun thuốc trừ rầy ở những nơi mật độ cao.
- Phun thuốc phòng trừ bệnh khô vằn, không để bệnh lây lan gây hại nặng nhất là những nơi gieo dày, bón thừa đạm. Đối với những vùng bị vàng lá nghẹt rễ cần thay nước trong ruộng (nếu chủ động nước), bón thêm các loại phân giải độc hạ phèn như Genno super kết hợp phun các loại phân bón qua lá để cây lúa phục hồi và phát triển.
- Điều tra, theo dõi phát sinh của các đối tượng dịch hại để có biện pháp quản lý kịp thời, chú ý sâu cuốn lá nhỏ, nhện gié,...
2. Trên cây hồ tiêu: Bệnh chết nhanh, chết chậm, thán thư, tuyến trùng, rệp sáp... tiếp tục gây hại ở các vườn bị bệnh, vùng ổ dịch.
Biện pháp phòng trừ: Tập trung thu hoạch, thực hiện chăm sóc, giữ ẩm cho gốc tiêu trong mùa khô; kiểm tra, xử lý thuốc phòng trừ tuyến trùng, rệp sáp, bệnh chết chậm, chết nhanh... Đối với bệnh chết nhanh cần thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện bệnh sớm, thu gom tàn dư cây bị bệnh mang ra khỏi khu vực vườn và đốt tiêu hủy, xử lý đất tại các gốc tiêu bị bệnh bằng vôi bột. Sử dụng các loại thuốc hóa học để phòng trừ bằng cách phun lên lá và tưới vào gốc với liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
3. Trên cây cà phê: Các đối tượng dịch hại như: Rệp, bệnh khô cành, thán thư, rỉ sắt... tiếp tục lây lan, gây hại ảnh hưởng đến khả năng phát triển quả, hại nặng trên các vườn cà phê già cỗi, các vườn không chú trọng công tác phòng trừ sâu bệnh.
Biện pháp phòng trừ: Cắt tỉa cành lá, xử lý thuốc để phòng trừ sâu bệnh, tăng cường chăm sóc để quả phát triển tốt.
4. Trên cây cao su: Bệnh xì mủ, loét sọc mặt cạo tiếp tục phát sinh phát triển.
Biện pháp phòng trừ: Kiểm tra vườn thường xuyên, phát hiện và xử lý cây bị bệnh xì mủ, loét sọc mặt cạo. Tiến hành bôi thuốc trên mặt cạo và vết xì mủ bằng các loại thuốc đặc hiệu để tránh lây lan nhiều nơi. Thường xuyên điều tra phát hiện bệnh rụng lá đốm tròn cao su để có biện pháp xử lý kịp thời.
5. Trên cây sắn: Bệnh khảm lá virus, nhện đỏ tiếp tục gây hại. Rệp sáp bột hồng, bọ phấn... phát sinh gây hại một số vùng.
Biện pháp phòng trừ: Khoanh vùng bị nhiễm bệnh khảm lá virus, tiêu hủy cây bị bệnh không để lây lan ra diện rộng. Điều tra theo dõi các đối tượng sâu, bệnh khác như nhện đỏ, rệp sáp bột hồng,... để có biện pháp xử lý sớm và hiệu quả./.